Monday 11 March 2024

TÌM HIỂU Ý NGHĨA, NGUỒN GỐC VÀ CÁCH DỊCH TÊN GỌI CÁC CHỨC SẮC CỬU TRÙNG ĐÀI

 TÌM HIỂU Ý NGHĨA, NGUỒN GỐC VÀ CÁCH DỊCH TÊN GỌI CÁC CHỨC SẮC CỬU TRÙNG ĐÀI

HUỆ KHẢI

Thông thường chức sắc – (P) dignitaire; (A) dignitary ([1]) – được hiểu là người có phẩm vị cao. Như thế, ý nghĩa của từng từ tố thường ít được chú ý.

   - Chức : Công việc phải làm của một người.

   - Sắc : Thứ, hạng, loại, bậc.([2])

Xét theo nghĩa của hai từ tố, khi nói chức sắc là đã bao hàm thứ bậc cao thấp, địa vị trên dưới với phân định nhiệm vụ, chức năng tương ứng.

Chủ Nhật 04-10-1926 (27-8 Bính Dần), Đức Cao Đài dạy: “Còn nay Thầy giáng thế thì chọn đến: nhứt Phật, tam Tiên, tam thập lục Thánh, thất thập nhị Hiền, tam thiên đồ đệ.([3]) Theo đó, có người hiểu:

- Nhứt Phật: một Giáo Tông;

- Tam Tiên: ba Chưởng Pháp hay ba Đầu Sư;

- Tam thập lục Thánh: ba Chánh Phối Sư và ba mươi ba Phối Sư;

- Thất thập nhị Hiền: bảy mươi hai Giáo Sư;

- Tam thiên đồ đệ: ba ngàn Giáo Hữu.

Lễ Sanh không được nhắc tới trong liệt kê trên đây; như thế, phải chăng Lễ Sanh chưa phải là chức sắc thực thụ?

Về chức sắc Cửu Trùng Đài, Tân Luật quy định như sau:

- Một Giáo Tông chung cho ba phái Nho, Thích, Lão (Điều 1).

- Ba Chưởng Pháp của ba phái (Điều 2).

- Ba Đầu Sư của ba phái (Điều 3).

- Ba Chánh Phối Sư của ba phái, với mười một Phối Sư cho mỗi phái (Điều 4).

- Bảy mươi hai Giáo Sư của ba phái, mỗi phái hai mươi bốn vị (Điều 5).

- Ba ngàn Giáo Hữu của ba phái, mỗi phái một ngàn vị (Điều 6).

- Lễ Sanh của ba phái, không giới hạn số lượng (Điều 7).

- Luật công cử từng cấp chức sắc (Điều 8).([4])

Căn cứ theo tám điều nói trên, Lễ Sanh cũng được coi là chức sắc, tuy ở bậc chót. Tân Luật còn quy định: “Phải vào Lễ Sanh rồi mới mong bước qua hàng chức sắc.” ([5]) Hai chữ bước qua dường như gợi ý cho thấy rằng Lễ Sanh là cái ngưỡng, là đường biên giữa tín đồ và chức sắc. Nói khác hơn, phải chăng Lễ Sanh chỉ mới là chức sắc dự bị, chuẩn chức sắc?

Chưa biết khi mới khai đạo Cao Đài, vị nào đã mượn các thuật ngữ giáo phẩm của đạo Thiên Chúa để dịch tên gọi các chức sắc Cửu Trùng Đài ra tiếng Pháp. Có điều, cách dịch đó đã được áp dụng trong thánh giáo Cao Đài buổi sơ khai. Chẳng hạn, đàn ngày thứ Bảy 25-12-1926 (21-11 Bính Dần), Đức Lý Giáo Tông dạy một người Pháp là ông Latapie như sau:

“Frère Latapie. Je vous nomme Évêque d’équipe française. C’est au rang des Giáo Sư que vous êtes placé.” ([6])

(Hiền đệ Latapie. Lão phong cho đệ là Évêque trong nhóm người Pháp. Vậy, đệ được đặt ngang hàng các Giáo Sư.)

Sau đây ý nghĩa và cách dịch tên gọi các cấp chức sắc Cửu Trùng Đài sẽ lần lượt được phân tích.

1. Lễ Sanh

Thuật ngữ Lễ Sanh xuất phát từ đạo Nho. Theo Mathews, Lễ Sanh là người chủ trì tế lễ trong Khổng miếu (master of ceremonies at the worship in a Confucian temple).([7]) Tuy nhiên Mathews không cho một từ tiếng Anh tương đương để dịch thuật ngữ Lễ Sanh.

Theo Paulus Của, mục từ Lễ , Lễ Sanh là học trò lễ, học trò gia lễ, những người học tập việc lễ, để mà giúp cho kẻ khác.([8])

Giải nghĩa như Paulus Của không phù hợp với chức năng của Lễ Sanh trong Cao Đài, nhưng cách giải thích ấy lại tương ứng với nhiệm vụ của người hiến lễ, gọi là Lễ Sĩ.

Theo Pháp Chánh Truyền, chú thích 1,([9]) thuật ngữ Lễ Sĩ do Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch đặt thêm, để phân biệt Lễ Sanh với người phụ giúp Lễ Sanh.

Lễ Sĩ có thể hiểu như người giúp lễ (trợ tế); mượn thuật ngữ đạo Thiên Chúa có thể dịch là (P) Diacre hay (A) Deacon. Từ này có gốc Hy Lạp là diakonos nghĩa là người phục vụ – (P) serviteur; (A) servant – phù hợp nhiệm vụ của Lễ Sĩ là người phụ giúp Lễ Sanh trong việc hiến lễ.

Vị dịch thuật ngữ Lễ Sanh có lẽ đã hiểu từ này theo nghĩa là học trò lễ.

- Từ tố Lễ quy định điều kiện phẩm chất (qualification) bắt buộc của Lễ Sanh. Có lẽ vì vậy mà Tân Luật giải thích: “Lễ Sanh là người có hạnh, lựa chọn trong chư tín đồ mà hành lễ”.([10])

- Từ tố Sanh (sinh) cho thấy vị thứ đẳng cấp rất khiêm tốn, vì chỉ mới là học trò.

Lễ Sanh được dịch là (P) Élève-Prêtre; (A) Student-Priest. Dịch như vậy xét ra rất sát, vì élèvestudent (học trò, học sinh) đều diễn tả được sít sao từ tố sanh.

Theo Tân Luật,([11]) trừ khi được Ơn Trên phong, chức sắc phải tuần tự đi từ cấp Lễ Sanh tiến lên Giáo Hữu rồi mới tiếp tục thăng cao hơn.

Vậy có thể hiểu Lễ Sanh là cấp dự bị để làm Giáo Hữu; mà Giáo Hữu được dịch là (P) Prêtre hay (A) Priest, do đó khi dịch Lễ Sanh là (P) Élève-Prêtre hay (A) Student-Priest thì mặc dù có bỏ qua từ tố Lễ, nhưng lại phù hợp với sự phân định trong Tân Luật, diễn tả được mối liên hệ giữa hai cấp Lễ Sanh và Giáo Hữu.([12])

Nói thêm, khi giảng sát nghĩa Lễ Sanh là học trò lễ thì chẳng khỏi có người e ngại rằng từ học trò không cân xứng với vị thế phẩm chức sắc này. Vì vậy, có lẽ nên giải thích rằng sanh (sinh) người có học (learned man); Lễ Sanh là người có học phụ trách nghi lễ (learned man in charge of rites).

2. Giáo Hữu

Giáo là đạo, tôn giáo. Hữu là bạn. Giáo Hữu là người bạn trong cửa đạo.

Theo Gustave Hue, Giáo Hữu là giáo đồ, tín đồ (les fidèles).([13])

Theo Mathews, Giáo Hữu là một thành viên trong giáo hội (church member).([14])

Theo Couvreur, Giáo Hữu là những người có chung giáo lý hay cùng tín ngưỡng (ceux qui ont une même doctrine ou une même religion); là thương yêu anh em mình (aimer ses frères); là tình huynh đệ (amitié fraternelle).([15])

Như vậy, Cao Đài đã mượn thuật ngữ Giáo Hữu (nguyên nghĩa là tín hữu, tín đồ, bạn đạo) nhưng dùng với ý nghĩa mới. Theo Pháp Chánh Truyền, Giáo Hữu “là người thân cận nhơn sanh hơn hết”; thì ý nghĩa thân cận này sẵn hàm ngụ trong từ tố Hữu.

Mượn thuật ngữ của đạo Thiên Chúa, Giáo Hữu được dịch là (P) Prêtre hay (A) Priest. Cách dịch này không liên quan gì đến từ tố Hữu. Thông thường, Prêtre hay Priest được hiểu là giáo sĩ, người giảng đạo.

Theo Paulus Của, Giáo Sĩ là kẻ học hành, lãnh việc dạy học, dạy đạo lý.([16])

Tân Luật quy định rằng “Giáo Hữu là người để phổ thông chơn đạo”.([17]) Như vậy, có lẽ người trước đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Giáo Hữu mà dịch là (P) Prêtre hay (A) Priest.

3. Giáo Sư 教師

Giáo là đạo, tôn giáo, giáo lý. là thầy dạy.

Theo Mathews, Giáo Sư là người truyền bá giáo lý (evangelist), là người thầy dạy đạo (teacher of religion).([18])

Theo Paulus Của, Giáo Sư là thầy dạy học, dạy đạo lý.([19])

Tân Luật quy định rằng Giáo Sư có nhiệm vụ “dạy dỗ chư tín đồ trong đường đạo và đường đời”,([20]) xét như vậy cũng phù hợp cách giải nghĩa của Mathews và Paulus Của.

Người trước mượn thuật ngữ (P) Évêque hay (A) Bishop (giám mục) trong đạo Thiên Chúa để dịch thuật ngữ Giáo Sư. Về từ nguyên, bishop có gốc Hy Lạp là episkopos, nghĩa là người trông nom, người giám sát, coi sóc (overseer, watcher).

Theo Tân Luật, Giáo Sư có nhiệm vụ quản lý, trông coi các sổ bộ (sanh, tử, hôn phối, nhập môn, trục xuất) của tín đồ, có quyền cai quản việc đạo trong phạm vi một châu thành lớn.([21]) Như vậy, người trước có lẽ đã căn cứ theo chức năng trông coi của Giáo Sư mà mượn thuật ngữ (P) Évêque hay (A) Bishop để dịch.

4. Phối Sư 配師

Nhiệm vụ của Phối Sư không được ghi rõ trong Tân Luật. Tuy nhiên, Pháp Chánh Truyền giải thích: “Phối Sư là người lãnh quyền của Chánh Phối Sư ban cho, đặng đồng quyền, đồng thể cùng Chánh Phối Sư” nhưng lại hạn chế rằng “chẳng đặng làm điều chi không có lịnh của Chánh Phối Sư truyền dạy; nhứt nhứt đều phải tuân mạng lịnh của Chánh Phối Sư”.([22])

Như vậy, nhiệm vụ của Phối Sư có vẻ mờ nhạt. Tuy nhiên Phối Sư thì cao hơn Giáo Sư một bậc, cho nên khi đã dịch Giáo Sư là (P) Évêque, (A) Bishop thì cũng phải lấy cấp cao hơn Évêque, Bishop một bậc để dịch Phối Sư. Do đó thuật ngữ (P) Archevêque hay (A) Archbishop (tổng giám mục) của đạo Thiên Chúa được mượn để dịch Phối Sư.

5. Chánh Phối Sư

Phối nghĩa là xứng với, sánh ngang với, tương xứng với. Theo Mathews, Phốiworthy, to match, to pair; phối thiên địa 配天地the equal of Heaven and Earth (ngang cùng trời đất, tề thiên địa).([23])

Tân Luật quy định Chánh Phối Sư “đặng thế quyền cho Đầu Sư mà hành sự”.([24]) Vậy, phải chăng có thể hiểu sát nghĩa theo từng từ tố để giải thích rằng Chánh Phối Sư là người đứng đầu (chánh) các Phối Sư, có thể sánh ngang cùng (phối) Đầu Sư? Chánh Phối Sư được dịch là (P) Archevêque Principal hay (A) Principal Archbishop.

6. Đầu Sư

Đầu nghĩa là đầu não, thứ nhất, trên hết, quan trọng nhất. Theo Mathews, Đầuhead, top, chief, first, the most important.([25])

Thuật ngữ (P-A) Cardinal (hồng y) của đạo Thiên Chúa được mượn để dịch thuật ngữ Đầu Sư. Về từ nguyên, Cardinal có gốc La tinh cardinalis là chánh yếu (principal, highest in order of importance). Như vậy, cardinal hay cardinalis tương xứng với từ tố Đầu trong thuật ngữ Đầu Sư.

7. Chưởng Pháp

Chưởng là nắm giữ, quản lý, coi sóc. Theo Mathews, Chưởngto manage, to control, to superintend.([26]) Từ tố Pháp có hai nghĩa:

- Tân Luật quy định Chưởng Pháp “có quyền xem xét luật lệ trước buổi thi hành”.([27]) Theo đó, pháp được hiểu theo nghĩa luật pháp (P: loi; A: law).

- Tân Luật quy định chưởng pháp “có quyền xem xét kinh điển trước khi phổ thông; như có kinh luật chi làm cho bại phong hóa thì ba vị ấy truất bỏ, chẳng cho xuất bản”.([28]) Theo đó, Pháp được hiểu theo nghĩa giáo pháp (P-A: doctrine).

Chưởng Pháp được dịch là (P) Cardinal Légiste hay (A) Legist Cardinal. Cũng có người dịch khác hơn: (A) Legislative Cardinal. Phân tích, thấy rằng:

- Cardinal là từ được dùng để dịch thuật ngữ Đầu Sư. Vậy, tại sao lại còn dùng để dịch thuật ngữ Chưởng Pháp? Phải chăng khoảng cách giữa Đầu Sư và Chưởng Pháp không lớn lắm vì, theo Tân Luật, Đầu Sư cũng có quyền tranh chức Giáo Tông ngang như Chưởng Pháp.([29])

- (P) Légiste hay (A) legist, legislative chỉ mới phản ánh nghĩa luật pháp của từ tố pháp.

Có lẽ thấy cách dịch (P) Cardinal Légiste hay (A) Legist Cardinal là thiếu (bất túc), rồi căn cứ theo nhiệm vụ kiểm duyệt kinh sách do Tân Luật quy định (dẫn trên), người trước đã chọn thêm cách dịch thứ hai là (P) Censeur hay (A) Censor. Sau này, một mục sư người Mỹ là ông Victor Oliver tỏ ra cẩn thận hơn; ông kết hợp cả hai cách dịch Legist Cardinal Censor mà tạo ra từ Censor Cardinal.([30])

Censeur hay censor do gốc La tinh censor nghĩa là đánh giá, thẩm định (to assess). Vậy, (P) Censeur hay (A) Censor hiểu theo nghĩa hẹp là người kiểm duyệt, hiểu theo nghĩa rộng là người xem xét, thẩm định bất kỳ một văn kiện, tài liệu, ấn loát phẩm, phim ảnh... trước khi nó được phổ biến để đảm bảo nó phù hợp với những tiêu chuẩn đạo đức đã được ấn định.

Hiểu theo nghĩa này, (P) Censeur hay (A) Censor phản ánh cả hai nhiệm vụ của Chưởng Pháp mà Tân Luật quy định, bao gồm cả mặt luật pháp và việc xuất bản ấn phẩm các loại trong đạo Cao Đài.

Tóm lại, dịch Chưởng Pháp là (P) Censeur hay (A) Censor thì có lẽ đạt hơn là (P) Cardinal Légiste, (A) Legist Cardinal (A) Legislative Cardinal.

Hoặc giả, noi tánh cẩn thận của Victor Oliver, cứ dịch là (P) Cardinal-Censeur hay (A) Censor Cardinal. Riêng nhà nghiên cứu Hoàng Anh Phan Văn Hoàng gợi ý thử tạo ra từ mới là (P) Légiste-Censeur, (A) Legist-Censor.([31])

8. Giáo Tông

Giáo là tôn giáo. Tông là dòng dõi. Thượng Đế mở đạo Cao Đài thì Trời là Giáo Chủ, cũng là Giáo Tổ khai sáng mối đạo. Kế tiếp Giáo Tổ là Giáo Tông, nghĩa là dòng dõi của đạo.([32]) Nếu chấp nhận cách hiểu như vậy thì cũng vẫn khó tìm một từ tương xứng để dịch thuật ngữ này. Mặc dù Tân Luật giải thích “Giáo Tông là Anh Cả”,([33]) nhưng không thể dịch Giáo Tông là (P) l’Aîné hay (A) the Eldest Brother được.

Trong buổi đầu khai Đạo, thuật ngữ (P) Pape hay (A) Pope (giáo hoàng) của đạo Thiên Chúa đã được mượn để dịch thuật ngữ Giáo Tông. Người “khó tính” có thể không bằng lòng với sự mượn từ này, vì lẽ Giáo Hoàng và Giáo Tông, về căn bản, lại rất khác biệt.

Chẳng hạn, xét về gốc từ: pape (pope) do gốc Hy Lạp pappas, gốc La tinh papa, nghĩa là cha. Chính do nghĩa gốc này mà Giáo Hoàng còn được gọi là Đức Thánh Cha (P: le Saint-Père; A: the Holy Father). Trong khi đó, Giáo Tông Cao Đài là Anh Cả, còn Giáo Chủ (Trời) mới là Cha.

Vì có sự khác nhau cơ bản như thế, người “khó tính” muốn tìm một từ khác để dịch thuật ngữ Giáo Tông. Nhưng đến nay, hầu như vẫn chưa ai tìm ra một từ nào tốt hơn thay thế (P) Pape hay (A) Pope.

Thực ra, việc mượn từ của dân tộc này hay tôn giáo này để dùng theo nghĩa mới trong dân tộc khác hay tôn giáo khác vẫn là chuyện xưa nay không hiếm; và mượn từ Pape hay Pope để chỉ Giáo Tông cũng không là một biệt lệ của Cao Đài.

Trong tiếng Mỹ, pope còn có nghĩa là một người được coi là có thẩm quyền chuyên môn rất tin cậy (a person considered to have unquestioned authority). Do đó, người Mỹ còn dùng từ pope để chỉ người đứng đầu một số tôn giáo không phải đạo Thiên Chúa (the male head of some non-Christian religions). Vì thế, Mathews ([34]) cũng như American Heritage Talking Dictionary đã dịch chức Thiên Sư (người đứng đầu đạo Lão) là the Taoist Pope.

Cũng cần biết thêm rằng Giáo Tông không phải là một thuật ngữ do Cao Đài sáng tạo.

Trước khi đạo Cao Đài ra đời ba mươi năm, Paulus Của, mục từ Giáo , đã giảng hai từ Giáo Hoàng Giáo Vương “Đức Giáo Tông”.([35]) Trước cả Paulus Của còn có một ấn bản năm 1884 của J. B. P. Trương Vĩnh Ký nhan đề Petit Dictionnaire Français - Annamite.([36]) Theo đó, có thể nói rằng trước đạo Cao Đài hơn bốn mươi năm, Petrus Ký đã nhiều lần dùng từ Giáo Tông để giải thích một số mục từ tiếng Pháp,([37]) như sau:

- Légat: khâm sai (khâm sứ) Đức Giáo Tông.

- Papauté: chức (vị) Giáo Tông; đời Giáo Tông trị. Aspirer à la Papauté: gắm ghé vị Giáo Tông; trông lên chức Giáo Tông.

- Pape: Đức Giáo Tông (...).

- Sa Sainteté: Đức Thánh người (nói về Giáo Tông).([38])

Như thế xưa kia, Giáo Tông nguyên cũng chỉ là một thuật ngữ khác đồng nghĩa với Giáo Hoàng; cho nên sau này đạo Cao Đài dịch Giáo Tông là (P) Pape hay (A) Pope thì cũng chỉ là kế thừa vốn cũ.

Từ cách dịch Giáo Tông là Pape (Pope), có thể dịch thêm:

- Giáo Tông Vô Vi: (P) Pape spirituel; (A) Spiritual Pope.

- Giáo Tông hữu vi: (P) Pape temporel; (A) temporal Pope.

- Quyền Giáo Tông: (P) Pape par Intérim, Pape Intérimaire; (A) Acting Pope.

Tóm lại, trên phương diện ngôn ngữ, xét về nguồn gốc tám tên gọi chức sắc Cửu Trùng Đài, đạo Cao Đài:

- Có lẽ đã sáng tạo bốn thuật ngữ Phối Sư, Chánh Phối Sư, Đầu Sư, Chưởng Pháp.([39])

- Đã mượn của đạo Nho và chữ Hán ba thuật ngữ Lễ Sanh, Giáo Hữu, Giáo Sư.

- Đã mượn của đạo Thiên Chúa các thuật ngữ Giáo Tông, Prêtre, Évêque, Archevêque, Cardinal, Pape (hay Priest, Bishop, Archbishop, Cardinal, Pope).

Việc mượn thuật ngữ trong các nền văn hóa xưa nay là chuyện tự nhiên, bình thường; thiết tưởng người “khó tính” không nhất thiết phải có thái độ úy kỵ. Điều nên lưu ý là, tuy mượn từ của các nền văn hóa Nhị Kỳ Phổ Độ nhưng Cao Đài hiểu và sử dụng các từ đó theo ý nghĩa riêng của Cao Đài trong Tam Kỳ Phổ Độ. Đó là tính kế thừa có chắt lọc và sàng sảy vốn cũ đồng thời bổ sung vốn mới.

Riêng về sự kế thừa các tên gọi hàng giáo phẩm đạo Thiên Chúa, phải chăng có thể nêu ra ít nhất hai ý nghĩa đáng kể:

- Về mặt hình thức, yếu tố này cho thấy, ngoài Tam Giáo phương Đông (Nho, Thích, Lão), còn có tứ giáo là đạo Thiên Chúa trong nền tôn giáo tổng hợp Cao Đài. Điều này cũng phản ánh phương châm của Cao Đài là kết tinh kim cổ, dung hòa Đông Tây.

- Về mặt nội dung, yếu tố này phải chăng còn cho thấy rằng trong lúc Tam Giáo (Nho, Thích, Lão) góp phần xây dựng nền giáo lý, nghi lễ, luật đạo tổng hợp cho Cao Đài thì tứ giáo (Thiên Chúa) góp phần xây dựng cơ cấu tổ chức giáo hội vững chắc cho Cao Đài.

Khi nhìn thấy mối quan hệ này, sẽ hiểu rằng không phải vô cớ mà một nhà khoa học xã hội Mỹ là nữ tiến sĩ Jayne Susan Werner (Viện Đại Học Cornell) đã nhận định như sau:

“Thực vậy, trong số ba phong trào quần chúng lớn ở miền Nam thời Pháp thuộc, đạo Cao Đài được tổ chức tốt nhất và thành công nhất.” ([40])

Giải thích mặt mạnh ấy bà Werner viết:

“Hội thánh Cao Đài cũng được tổ chức quy củ, khác hẳn với cách tu hành đang phổ biến ở Việt Nam lúc bấy giờ. Dù rằng ở miền Nam đã có các giáo phái nhỏ thực hành bí giáo huyền môn và sử dụng đồng tử, những đạo giáo ấy đã không cho thấy mức độ tổ chức ngang tầm với đạo Cao Đài, cũng như không có được đông đảo tín đồ như đạo Cao Đài. Mỗi cấp chức sắc Cao Đài đều có được một chức năng nhiệm vụ riêng biệt và được quy định minh bạch, mà từng phương diện của chức năng nhiệm vụ ấy đều có một ý nghĩa biểu trưng.”.([41])

Chính nhờ tính tổ chức vững mạnh, đạo Cao Đài sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, vẫn tiếp tục hiện hữu cho đến ngày nay. Bà Werner viết:

“Đạo Cao Đài có thể thu hút đông đảo quần chúng đích xác vì sự tổ chức vững vàng của Đạo. Hơn nữa, cách tổ chức hàng giáo phẩm chức sắc của Đạo củng cố cho Đạo vững mạnh, mà đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đạo Cao Đài tiếp tục hiện hữu ngày nay.” ([42])

20-9-1998

HUỆ KHẢI

 



* Đã đăng tạp chí Thông Tin Khoa Học Và Công Nghệ. Huế: Sở Khoa Học, Công Nghệ Và Môi Trường Thừa Thiên - Huế, số 2(24)-1999.

([1]) (P): tiếng Pháp; (A): tiếng Anh.

([2]) Hầu Hàn Giang và Mạch Vĩ Lương (chủ biên). Từ Điển Hán - Việt. Bắc Kinh: Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1994, tr. 582.

([3]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển thứ Nhứt. Tòa Thánh Tây Ninh tái bản, 1973, tr. 50.

([4]) Tân Luật. Tòa Thánh Tây Ninh tái bản, 1966, tr. 3-5.

([5]) Tân Luật, 1966, tr. 5.

([6]) Hương Hiếu. Đạo Sử, quyển II. Tòa Thánh Tây Ninh, không năm xuất bản (ronéo), tr. 120.

([7]) R.H. Mathews. Chinese - English Dictionary Compiled for the Chinese Inland Mission. Shanghai: China Inland Mission and Presbyterian Mission Press, 1931. Revised edition, Massachusetts: Harvard University Press, 1971, tr. 566, mục từ 3886-36.

([8]) Huình Tịnh Paulus Của. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Tome I. Sài Gòn: Imp. Rey, Curiol & Cie, 1895, tr. 556.

([9]) Pháp Chánh Truyền. Tòa Thánh Tây Ninh tái bản, 1966, tr. 27.

([10]) Tân Luật, 1966, tr. 5.

([11]) Tân Luật, 1966, tr. 6.

([12]) Tương tự, người đi học ở trường sư phạm, tập sự để sau làm giáo viên được gọi là giáo sinh: (P) élève-maitre; (A) student-teacher. Cũng vậy, nhạc sinh là (P) élève-musicien; (A) student-musician. Người học lái máy bay là (P) élève-pilote; (A) student-pilot. Khóa sinh trường đào tạo sĩ quan là (P) élève-officier; (A) student-officer...

([13]) Gustave Hue. Dictionnaire Annamite - Chinoise - Française, Imprimerie Trung Hòa, 1937, tr. 332, mục từ Giáo .

([14]) R.H. Mathews. Chinese - English Dictionary Compiled for the Chinese Inland Mission, tr. 99, mục từ 719c-3.

([15]) F. S. Couvreur, s.j., Dictionnaire Classique de la Langue Chinoise. Edition originale. Peiping: Editions Henri Vetch, réimpression autorisée par la Mission de Sienhsien, 1890, tr. 119.

([16]) Huình Tịnh Paulus Của. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Tome I. tr. 372.

([17]) Tân Luật, 1966, tr. 5.

([18]) R.H. Mathews. Chinese - English Dictionary Compiled for the Chinese Inland Mission, tr. 99, mục từ 719c-6.

([19]) Huình Tịnh Paulus Của. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Tome I. tr. 372.

([20]) Tân Luật, 1966, tr. 4.

([21]) Tân Luật, 1966, tr. 4.

([22]) Pháp Chánh Truyền. Tòa Thánh Tây Ninh tái bản, 1966, tr. 20-21.

([23]) R.H. Mathews. Chinese - English Dictionary Compiled for the Chinese Inland Mission, tr. 697, mục từ 5019; mục từ 5019-10.

([24]) Tân Luật, 1966, tr. 4.

([25]) R.H. Mathews. Chinese - English Dictionary Compiled for the Chinese Inland Mission, tr. 941, mục từ 6489.

([26]) R.H. Mathews. Chinese - English Dictionary Compiled for the Chinese Inland Mission, tr. 22, mục từ 203a.

([27]) Tân Luật, 1966, tr. 3.

([28]) Tân Luật, 1966, tr. 4.

([29]) Tân Luật, 1966, tr. 5.

([30]) Victor Oliver. Caodai Spiritism. Leiden: E.J. Brill, 1976, tr. 19.

([31]) Thư riêng gởi Huệ Khải ngày 10-9-1998.

([32]) Thời xưa, các vua khai sáng xưng hiệu là Tổ (như Lê Thái Tổ), các vua sau kế nghiệp xưng là Tông (như Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông...).

([33]) Tân Luật, 1966, tr. 3.

([34]) R.H. Mathews. Chinese - English Dictionary Compiled for the Chinese Inland Mission, tr. 20, mục từ 195h-5.

([35]) Huình Tịnh Paulus Của. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Tome I. tr. 372.

([36]) In lần đầu (1884), bán giá 3 đồng. (Nguyễn Văn Trung. Trương Vĩnh Ký: Nhà Văn Hóa. Hội Nhà Văn, 1993, tr. 119.)

([37]) J. B. P. Trương Vĩnh Ký. Petit Dictionnaire Français-Annamite à l’Usage des Écoles et des Bureaux, réédité par J. Nguyễn Hữu Nhiên, ancien professeur des collèges d’Adran, Chasseloup-Laubat et de l’Institution Taberd. Sài Gòn: Imprimerie C. Ardin, 1937, tr. 432, 506, 610.

([38]) Chân thành cảm tạ nhà nghiên cứu An Chi tức Huệ Thiên Võ Thiện Hoa đã giúp người viết tra cứu hai quyển từ điển cổ của Couvreur và P. Trương Vĩnh Ký như dẫn trên.

([39]) Dè dặt nói có lẽ vì chẳng thể nào tra cứu hết các loại từ điển chữ Hán để biết chắc rằng bốn từ này đã từng xuất hiện trước đạo Cao Đài hay không.

([40]) “In fact, of the three major mass movements in southern Viet Nam during the colonial period, the Cao Dai were the best organized and most successful.” Jayne Susan Werner, Peasant Politics and Religious Sectarianism: Peasant and Priest in the Cao Dai in Viet Nam. Connecticut: Monograph Series No. 23, Yale University Southeast Asia Studies, 1981, tr. 1.

([41]) “The Cao Dai church was also highly organized, in contrast to prevailing religious practice in Viet Nam at the time. Although small religious sects practicing occultism and using mediums had existed in the south, they did not display the same degree of organization nor the mass following of the Cao Dai. Each Cao Dai priestly grade was endowed with a separate and well-defined function, every aspect of which held a symbolic meaning.” (J.S. Werner, Peasant Politics and Religious Sectarianism …, tr. 7)

([42]) “The Cao Dai were able to attract a large mass following precisely because of its strong organization. Moreover, its routinized priesthood provided the sect with its strength, which in turn is one of the most important factors in the continued present-day existence of Caodaism.” (J.S. Werner, Peasant Politics and Religious Sectarianism…, tr. 63)

 

Trích: Huệ Khải, Một Góc Nhìn Văn Hóa Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 51-66. (Quyển 47.1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, kỷ niệm đại lễ Khai Minh Đại Đạo năm Tân Mão (2011).